Tại sao cần phải thông báo, đăng ký website với bộ công thương? Những website nào cần thực hiện? Các bước thực hiện như thế nào? Tìm hiểu ngay sau đây!
Chắc bạn cũng đã nghe nhiều về việc thông báo cũng như đăng ký website với Bộ Công Thương, nhưng bạn lại không hiểu lý do tại sao lại phải làm vậy hoặc bạn không biết website của mình có “cần phải” thông báo hoặc đăng ký hay không? Để cụ thể hơn, mời bạn tìm hiểu cùng Wemetrics ngay sau đây!
Phân biệt thông báo và đăng ký website với Bộ Công Thương
- Logo màu xanh: là chứng nhận đã thông báo với Bộ Công Thương
- Logo màu đỏ: là chứng nhận đã thông báo với Bộ Công Thương
Tại sao phải thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương
Tuân thủ theo quy định, tránh khoản tiền phạt không đáng có
Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ban hành ngày 16/05/2013, thông tư số 47/2014/TT-BCT ban hành ngày 05/12/2014, và Nghị định số 185/2013/ND-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại… ban hành ngày 15/11/2013, yêu cầu tất cả các website hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.
Nâng cao uy tín của website
Đối với website khi thông báo và đăng ký thành công thì sẽ gắn logo dẫn tới đường link xác nhận trên trang của Bộ Công Thương, việc này có ích vì sẽ nâng cao uy tín của website. Vì khi đăng ký thì cần phải nộp giấy phép kinh doanh (đối với công ty), CMND (đối với cá nhân), cho nên người dùng khi vào website mua sắm sẽ không sợ gặp phải các công ty ma, hay địa chỉ không đúng.
Khẳng định thương hiệu
Khi đăng ký và thông báo với Bộ Công Thương đầy đủ thì đồng nghĩa với việc website đã tuân thủ theo các quy định và được xác nhận các hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm thông báo và đăng ký là hợp pháp và được phép phân phối, quảng bá, không vi phạm sở hữu trí tuệ, hay các mặt hàng bị cấm kinh doanh.
Website nào cần thông báo và đăng ký website với Bộ Công Thương?
Website cần thông báo với Bộ Công Thương
Trước khi đến phần hướng dẫn đăng ký thì bạn phải biết những website nào cần phải đăng ký, từ đó đối chiếu lại với website của mình xem có giống trường hợp nào không nhé.
1. Website thương mại điện tử bán hàng
Theo như định nghĩa về website thương mại điện tử thì đây là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. Do vậy việc đăng ký Bộ Công Thương là điều bắt buộc.
Ngoài ra những website chỉ giới thiệu về công ty, dịch vụ, hoặc hàng hóa mà không có chức năng đặt hàng hay thanh toán trực tuyến thì vẫn phải thông báo với Bộ Công Thương.
2. Ứng dụng di động bán hàng
Là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
Website cần đăng ký với Bộ Công Thương
1. Website cung cấp dịch vụ TMĐT
Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: sàn giao dịch thương mại điện tử; sàn giao dịch thương mại điện tử trong website giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Website khuyến mại trực tuyến: là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại .
Website đấu giá trực tuyến: là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.
2. Ứng dụng di động cung cấp dịch vụ TMĐT
Là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, như: ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng đấu giá trực tuyến và ứng dụng khuyến mại trực tuyến.
Hướng dẫn thông báo và đăng ký website với Bộ Công Thương
Thủ tục
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy phép đầu tư;
- Quyết định thành lập (đối với tổ chức);
- Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh cá thể (đối với cá nhân)...;
- Và một số giấy tờ khác tùy theo ngành nghề dịch vụ của Nhà bán hàng.
Quy trình
Bước 1: Đăng ký tài khoản
1. Truy cập vào website Bộ Công Thương.
2. Click vào nút “Đăng ký” để tiến hành đăng ký tài khoản.
3. Sau khi click vào nút “Đăng ký” sẽ có màn hình để điền thông tin đăng ký.
4. Nhập đầy đủ các thông tin đăng ký.
- Thông tin cá nhân
- Chọn đối tượng đăng ký: Thương nhân (lưu ý không chọn Tổ chức vì tổ chức chỉ dành cho các đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước không có mã số thuế)
- Nhập các thông tin tên công ty, mã số thuế, lĩnh vực đăng ký kinh doanh, địa chỉ ….
- Thông tin tài khoản
- Tài khoản: được lấy mặc định theo MST công ty
- Nhập mật khẩu và email (chọn địa chỉ email quý khách vào thường xuyên để nhận được thông báo kịp thời từ Bộ Công Thương.
- Thông tin người đại diện pháp luật: Nhập đầy đủ thông tin họ tên, ngày sinh, địa chỉ liên lạc, điện thoại, chức vụ…. theo mẫu.
5. Click nút “Gửi đăng ký” để hoàn thành đăng ký tài khoản.
Bước 2: Xác nhận tài khoản
Sau khi gửi thông tin tài khoản thành công, bạn sẽ nhận được email từ Bộ Công Thương, họ sẽ tiến hành duyệt thông tin đăng ký trong 3 ngày làm việc và gửi lại email phản hồi về việc đã đăng ký thành công hay chưa.
- Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức, cá nhân được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp.
- Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.
Trường hợp quá 3 ngày bạn không nhận được mail từ Bộ Công Thương thì hãy liên hệ số điện thoại: 04.22205512 đọc MST để hỏi về việc đăng ký tài khoản đã thành công chưa.
Bước 3: Khai báo loại hình dịch vụ thương mại
1. Khi đã có tài khoản, Nhà bán hàng đăng nhập vào website Bộ Công Thương.
- Truy cập vào website Bộ Công Thương.
- Điền thông tin: Tên đăng nhập, mật khẩu
2. Chọn một trong ba thư mục:
- "Thông báo website" nếu website của Nhà bán hàng là website bán hàng
- "Đăng ký website" nếu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
- "Đăng ký đánh giá tín nhiệm" nếu Nhà bán hàng cung cấp dịch vụ đánh giá tín nhiệm website
3. Nhập thông tin tên website:
- Thông tin về người sở hữu website
- Thông tin về hàng hóa, dịch vụ
- Thông tin về giá cả
- Thông tin về điều kiện giao dịch chung
- Thông tin về vận chuyển và giao nhận
- Thông tin về các phương thức thanh toán
4. Nhập tên miền website và nhập tất cả tên miền trỏ về website nếu có. Cung cấp tên đơn vị cung cấp dịch vụ hosting
5. Chọn “File đính kèm” và tải lên hình ảnh scan của các tài liệu sau:
- Giấy phép đăng ký kinh doanh
- Quyết định thành lập đối với cơ quan tổ chức
- Chứng minh nhân dân đối với cá nhân
6. Click vào nút “Chọn file” để upload giấy phép đăng ký kinh doanh lên hồ sơ, sau khi chọn file xong click “Upload file”.
7. Sau khi Upload file thành công, chọn “Gửi hồ sơ” để hoàn thành việc đăng ký thông báo website bán hàng.
Bước 4: Bộ Công Thương xét duyệt hồ sơ
Hồ sơ sau khi được gửi sẽ ở trạng thái “ Chờ Duyệt”. Trong vòng 3 ngày làm việc, Bộ Công Thương sẽ gửi Email cho bạn để thông báo kết quả đăng ký website.
Trường hợp hồ sơ chưa được duyệt cần cung cấp hoặc chỉnh sửa lại thông tin theo yêu cầu.
*Lưu ý là việc thông báo và đăng ký Bộ Công Thương hoàn toàn miễn phí.
Sau khi thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương, bạn sẽ được cung cấp logo và liên kết. Sau đó hãy lưu lại thông tin này và gắn vào trong giao diện.
Và trên đây là một số thông tin cũng như hướng dẫn chi tiết cách thông báo và đăng ký website với Bộ Công Thương. Hy vọng bài viết này đủ sự rõ ràng để mọi người có thể thực hiện một cách dễ dàng. Chúc bạn thành công.